Nếu tập trung về một khu, lao động trong dịch vụ "nhạy cảm" sẽ được hưởng lương, ký hợp đồng, chi trả bảo hiểm và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc gom vào một chỗ không khác gì thừa nhận "phố đèn đỏ".
Những lao động trong ngành nghề này sẽ được giám sát, đảm bảo quyền lợi, tránh bị bạo hành và nhất là được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra họ sẽ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được phổ biến kiến thức để tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS.
Nhiều tiếp viên ăn mặc "mát mẻ" phục vụ khách. Ảnh: Quốc Thắng. |
Theo phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, qua các lần kiểm tra cũng như báo cáo từ các đơn vị, nhiều cơ sở kinh doanh “nhạy cảm” như quán bar, cơ sở massage, karaoke, cắt tóc trá hình… thường không ký hợp đồng, trả lương cho nhân viên. Họ làm việc không công, thu nhập từ tiền “bo” của khách khi phục vụ.
“Mại dâm ở TP HCM và nhiều địa phương khác đã tồn tại lâu đời. Quận, huyện thậm chí xã, phường nào cũng có nên việc xóa bỏ là không thể vì nhiều người xem đó là cái nghề để sinh nhai. Mình không thể chống mãi được vì dẹp chỗ này chỗ khác lại mọc lên nên phải thay đổi cách thức để dễ quản lý”, ông Quý nêu quan điểm.
TP HCM hiện có hơn 36.000 cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ "nhạy cảm" như vũ trường, quán bar, massage, karaoke… nằm rải rác trên nhiều tuyến đường, hẻm của 24 quận huyện. Việc kiểm tra, quản lý vì thế gặp nhiều khó khăn.
“Thành phố sẽ lập khu vực quy hoạch, sau đó có cơ chế khuyến khích như giảm thuế, tạo điều kiện kinh doanh hợp pháp để mời gọi các cơ sở dịch vụ nhạy cảm vào. Tất nhiên, lực lượng chức năng vẫn sẽ giám sát và xử lý mạnh tay nếu xảy ra sai phạm”, ông Quý nói.
Ông Quý cũng khẳng định, việc tập trung dịch vụ “nhạy cảm” vào một chỗ khác với việc lập “phố đèn đỏ”. Bởi gom lại là để dễ quản lý, tránh việc phát sinh tràn lan, người hoạt động trong lĩnh vực này không được bảo vệ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất của TP HCM nhưng vẫn tỏ ra e ngại khi việc gom các dịch vụ kinh doanh “nhạy cảm” vào một chỗ không khác gì thừa nhận “phố đèn đỏ”. Bởi Việt Nam hiện chưa có luật phòng chống mại dâm mà mới chỉ có pháp lệnh nên rất khó triển khai. Có đại biểu cho rằng nhiều nước trên thế giới cho phép hoạt động mại dâm nhưng ở Việt Nam có truyền thống, văn hóa khác nên không thể làm như nước ngoài.
Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) – Nguyễn Xuân Lập – kết luận, những ý kiến, đề xuất của các địa phương sẽ được Bộ lưu ý và đưa ra thảo luận tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.
Trước đó, hồi đầu năm 2013, TP HCM từng kiến nghị chính phủ cho phép gom các dịch vụ kinh doanh “nhạy cảm” vào một khu vực để quản lý chặt chẽ người bán dâm, kết hợp đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về y tế, phòng ngừa giảm tác hại...
Sơn Hòa
0 Comments:
Đăng nhận xét